Điện Biên chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở

Thứ Ba, 22/05/2018, 15:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong đó, chú trọng phát triển đảng viên, tổ chức Đảng ở các thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, có 130 xã, phường, thị trấn (116 xã, 9 phường và 5 thị trấn); trong đó có 29 xã biên giới; 101 xã và 1.146/1.813 thôn, bản đặc biệt khó khăn, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống với 57 vạn dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 44,82%, chủ yếu tập trung ở các xã thuộc khu vực biên giới. Đầu nhiệm kỳ (2015-2020), toàn tỉnh vẫn còn 95 bản “trắng” đảng viên, 328/1.813 thôn bản chưa có chi bộ. Điều kiện phát triển Kinh tế - Xã hội xuất phát điểm thấp, dân cư còn phân tán, trình độ nhận thức không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, lũ…Có thể thấy Điện Biên còn rất khó khăn, nhất là công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

1
Đồng chí Lâm Văn Năm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Đảng bộ xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ về tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh (ảnh tư liệu)

 

Xuất phát từ thực trạng tình hình của hệ thống chính trị ở cơ sở, ngày 23-5-2016, Tỉnh ủy Điện Biên (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 04 về “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016-2020”; trong đó phấn đấu hằng năm kết nạp 2.000 đảng viên; giảm 15-20% số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; giảm từ 20% trở lên số trường học, trạm y tế chưa có chi bộ.

Theo đó, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng uỷ đã cụ thể hoá nghị quyết, xây dựng các chương trình đề án và đã có những chủ trương, giải pháp thiết thực phù hợp để chỉ đạo tập trung vào các xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; nhất là chú trọng công tác phát triển đảng viên, tổ chức Đảng ở các thôn, bản, trường, trạm y tế còn “trắng” đảng viên, “trắng” tổ chức Đảng, nhằm củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác phát triển đảng viên ở những nơi chưa có tổ chức đảng và đảng viên.

Từ năm 2016 đến nay, 130 xã, phường, thị trấn của tỉnh Điện Biên đã kết nạp được 3.406 đảng viên mới, chiếm gần 65 % tổng số đảng viên kết nạp, trong đó, riêng quý I năm 2018, cấp xã có 247/407 đảng viên mới kết nạp (chiếm 60,7%). Công tác kết nạp đảng viên ở cơ sở trong tỉnh liên tục được tăng cao, góp phần không nhỏ vào việc xóa thôn, bản còn trắng tổ chức đảng và đảng viên.

Đến nay, đã có 1.601/1.813 thôn bản có chi bộ, thu hẹp khoảng cách bản “trắng” đảng viên từ 95 bản xuống còn 21/1.813 bản so với đầu năm 2016; giảm số thôn, bản chưa có chi bộ từ 327 bản xuống còn 191 bản; thành lập mới 245 chi bộ thôn bản, 32 chi bộ trường học và 34 chi bộ trạm y tế xã, phường, thị trấn hoạt động độc lập; đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Nhờ đó, 88,3% số thôn, bản có chi bộ (còn 212 thôn, bản chưa có tổ chức Đảng và đảng viên); gần 100% trường học có chi bộ (còn 1 trường chưa có chi bộ do mới thành lập); gần 60% trạm y tế xã, phường, thị trấn đã có chi bộ.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn luôn được chú trọng quan tâm, ngày càng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Từ năm 2016 đến nay, đã cử 614 người đi đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, 454 cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo về lý luận chính trị. Ngoài ra, còn cử hơn 13.000 cán bộ, công chức tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý... Công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ xuống cơ sở được ban thường vụ cấp ủy cấp huyện tiếp tục thực hiện và đạt được kết quả nhất định, góp phần quan trọng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững và ổn định an ninh, chính trị ở địa phương.

Đồng chí Lâm Văn Năm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên cho biết: “Thời gian qua, Tỉnh ủy đã xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong đó, chú trọng đến công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển hướng về cơ sở.

Qua đó, tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là giúp cơ sở cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tế ở địa phương. Đặc biệt tới đây, để tập trung thực hiện NQ TW 7, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy bên Đảng, bên chính quyền là một nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay”.

Có thể thấy, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, giữ vững và phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở được tăng cường, có nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy; công tác tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân được coi trọng, chất lượng được nâng lên; công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

1
Đồng chí Mùa A Sùng, TUV, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy quán triệt Nghị quyết số 04 về “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016-2020” tới Ban chấp hành Đảng bộ xã Na Tông, huyện Điện Biên.(ảnh Phong Lâm)

 

Hoạt động của HĐND xã, phường, thị trấn có nhiều đổi mới, chất lượng đại biểu HĐND ngày càng được nâng cao, các đại biểu phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri; hoạt động giám sát được chú trọng, tập trung vào những vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm. MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội ở cơ sở đã có những đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động; giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện các cuộc vận động xây dựng cơ sở; vận động đoàn viên, hội viên chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đối với chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn, đã đổi mới trong hoạt động, tinh gọn bộ máy, hợp lý, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan hành chính trong việc mở rộng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở xã, phường, thị trấn đảm bảo nâng cao về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên phù hợp với thực tiễn ở cơ sở.

Thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo ở cơ sở, nhất là đổi mới việc ra nghị quyết và chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng; đa dạng hóa các nội dung sinh hoạt của tổ chức Đảng, đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc ở cơ sở. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ./.

 

 

 CTV -  Phong Lâm/BTC Tỉnh ủy Điện Biên

.