Nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết về văn hóa của Đảng

Thứ Năm, 11/01/2018, 07:14 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên đã có nhiều giải pháp quan trọng, nhằm thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về Văn hóa. Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 19 dân tộc luôn được phát huy; nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú.

Là một tỉnh miền núi, biên giới, có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, còn gặp nhiều khó khăn. Song sau gần 4 năm, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" (Nghị quyết 33-NQ/TW). Trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều chuyển biến sâu sắc thể hiện qua nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều giải pháp quan trọng, nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về phát triển về Văn hóa của Đảng.

1
Tết té nước (Bun huột nặm) của đồng bào Lào ở xã Na Sang, huyện Điện Biên được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh tư liệu)

 

Qua đó, góp phần cổ vũ, động viên cả hệ thống chính trị và nhân dân cac dân tộc đoàn kết thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết 33-NQ/TW tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 10-12-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên về: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh”

Sau khi triển khai các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, cơ bản nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên, phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở đã có những chuyển biến rõ nét và thiết thực.

Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân các dân tộc được quan tâm. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa được tăng cường, đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ từng bước được nâng lên.

1
Các hoạt động VHVN, trò chơi dân gian truyền thống vào dịp lễ Tết góp phần đoàn kết các dân tộc (Ảnh: KT)

 

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐDN, UBND và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trong những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐDN, UBND tỉnh nhiều giải pháp, hoạt động cụ thể nhằm phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương tổ chức thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Đến nay, năm 2017 toàn tỉnh đã có 75.722/121.935 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm 62,1%. Có 985/1.813 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, chiếm 54,3%. Có 1.163/1.314 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, chiếm 88,5%. Có 6/116 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, chiếm 5,17%; có 4/14 phường, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, thị trấn văn minh đô thị”, chiếm 28,6%.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đa số các cặp vợ, chồng thực hiện đúng luật Hôn nhân và Gia đình. Các đám cưới được tổ chức đảm bảo lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi, không phô trương, lãng phí. Tuy nhiên, một số ít đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hiện tượng tảo hôn, không đăng ký kết hôn trước khi cưới. Việc tang, hầu hết các đám tang đảm bảo theo các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 26/11/2013 của ban thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Có thể thấy, năm 2017 trên địa bàn tỉnh có 2.057 đám tang, đã có 1.921 đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh chiếm 93,38%, nhiều gia đình đã thực hiện việc hỏa táng.

1
Thi giã bánh dày của dân tộc Mông trong các Ngày hội văn hóa (Ảnh Xuân Hòa)

 

Về Lễ hội, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật theo Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về tổ chức lễ hội. Các lễ hội diễn ra đều được tổ chức tiết kiệm, phù hợp với điểu kiện kinh tế, phong tục tập quán và truyền thống dân tộc mỗi địa phương. Năm 2017 có 63 lễ hội được tổ chức, trong đó có 37 lễ hội dân gian, 18 lễ hội lịch sử cách mạng, 8 lễ hội khác (lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa du lịch, lễ hội tôn giáo).

Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương nhiệt tình hưởng ứng thực hiện. Phong trào thể dục thể thao trong các đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên, lực lượng vũ trang, công nhân viên chức và lao động, nông thôn, phụ nữ và người cao tuổi tiếp tục được duy trì phát triển.

Chỉ tính riêng năm 2017, từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức được 425 giải thi đấu thể thao thu hút trên 4 vạn lượt người tham gia, trong đó cấp tỉnh tổ chức 07 giải thu hút trên 2 nghìn lượt VĐV tham gia; cấp huyện, ngành tổ chức 96 giải thu hút trên 1 vạn lượt VĐV tham gia; cấp xã, phường tổ chức 322 giải thi đấu thể thao, thu hút trên 3 vạn lượt VĐV tham gia.

Phong trào thể dục thể thao quần chúng đã đạt được những thành tích quan trọng, tiếp tục có bước phát triển rõ nét cả về số lượng và chất lượng. Số người tập luyện TDTT thường xuyên là 150.532 người (đạt 26,54 %) trên tổng số dân toàn tỉnh, số hộ gia đình thể thao là 19.400 hộ (đạt 16,32 %) trên tổng số hộ gia đình toàn tỉnh, có 370 Câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở; số trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa đạt 100%.

Phong trào văn hóa, văn nghệ được nhân dân tham gia sôi nổi, nhiều hội diễn, chương trình văn nghệ từ cấp tỉnh đến cơ sở được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống. Toàn tỉnh hiện nay có 1.273 đội văn nghệ quần chúng đang hoạt động hiệu quả, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của mọi người dân trong các dịp lễ, tết, sự kiện chính trị. Hiện nay có hơn 30 "Nghệ nhân ưu tú", có 6 Di sản Văn hóa phi vật Quốc gia đã thể hiện rõ trách nhiệm của cộng đồng, trong việc tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa.

Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao của tỉnh hiện nay đã bước đầu tạo địa điểm sinh hoạt văn hóa tại chỗ cho nhân dân ở cơ sở, đời sống văn hóa ở khu vực nông thôn bước đầu đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư và có những bước phát triển nhất định. Toàn tỉnh hiện có 7/10 nhà văn hóa huyện chiếm 70%, 50/130 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn chiếm 38,5%, 457/1.813 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố chiếm 25,2%. Có 69 sân bóng đá (trong đó có 7 sân bóng đá cỏ nhân tạo), 01 sân điền kinh, 11 sân Tennis, 81 nhà tập luyện và 14 Bể bơi, 18 sân bóng rổ, 380 sân bóng chuyền ngoài trời, trên 800 sân cầu lông, đá cầu và hơn 300 các khu thể thao, vui chơi giải trí khác.

Theo ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh ủy và Chương trình hành động của UBND tỉnh, Sở đã ban hành kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện trong toàn ngành về các mục tiêu phát triển Văn hóa của tỉnh. Nhất là, Nghị quyết 33-NQ/TW và Nghị quyết 13-NQ/TU vì đây là những Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người phát triển toàn diện, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, làm cho Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của Tỉnh.

1
Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh KT)

 

Tuy nhiên, một số cấp uỷ, chính quyền, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về quan điểm, chủ trương, mục tiêu về xây dựng văn hoá theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW và Nghị quyết 13-NQ/TU. Phong trào “xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” chưa quan tâm đúng mức; lĩnh vực văn học - nghệ thuật chưa có nhiều tác phẩm có giá trị, sức lan tỏa hạn chế; tác phẩm báo chí mang tính tổng kết chuyên đề, trực diện đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực còn ít, chất lượng chưa cao.

Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa còn thiếu, xuống cấp và hiệu quả thấp; việc nghiên cứu, điều tra cơ bản để quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh còn chậm; nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc chưa được quan tâm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra…

Thời gian tới để thực hiện thắng lợi mục tiêu: Đến năm 2020 là nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động phong trào xây dựng gia đình văn hóa, toàn tỉnh phấn đấu 30% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 30% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; đầu tư xây dựng các hạng mục của Trung tâm thể dục thể thao như: Trường bắn thể thao, sân vận động, nhà công vụ, bảo tàng tỉnh, Trung tâm văn hóa tỉnh, rạp chiếu phim thành phố... Phấn đấu đến năm 2030 có 50% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị... Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh xây dựng các đề án hỗ trợ kinh phí hoạt động văn hóa cho các địa phương còn khó khăn; phối hợp với các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc còn khó khăn như Điện Biên để trình Chính phủ đầu tư các công trình văn hóa, thể thao có quy mô lớn./.

 

 

CTV - Khánh Toàn/BTG Tỉnh ủy Điện Biên

.