Chú trọng công tác phát triển đảng viên ở huyện vùng cao, ngã ba biên giới Mường Nhé

Thứ Năm, 26/11/2015, 15:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đảng bộ huyện Mường Nhé (Điện Biên) xác định: Công tác phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các tổ chức cơ sở đảng. Qua đó tăng cường nguồn lực, trực tiếp góp phần xây dựng đảng vững mạnh từ cơ sở, nhất là những thôn, bản còn trắng Đảng viên và tổ chức Đảng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Mường Nhé là một huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, huyện nằm ở ngã ba biên giới tiếp giáp với hai nước Lào và Trung Quốc. Huyện có 11 xã, trong đó có tới 6 xã biên giới, với 96 bản, cụm dân cư, hơn 3,6 vạn dân, với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống. Nơi đây, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 50%, phong tục tập quán còn lạc hậu; tình trạng di dịch cư tự do, vượt biên trái phép, buôn bán ma túy qua biên giới vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp.

1
Trung tâm BDCT huyện Mường Nhé (Điện Biên) khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho Bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở.

 

Do vậy, việc phát hiện, tạo nguồn để bồi dưỡng kết nạp Đảng gặp rất nhiều khó khăn. Theo đồng chí Nguyễn Quang Sáng, TUV, Bí thư huyện ủy Mường Nhé cho biết: “Khó khăn lớn nhất là thiếu “Nguồn” kết nạp Đảng, nguyên nhân thì có nhiều, song trong đó có nguyên nhân, nhiều quần chúng phấn đấu tốt, tích cực tham gia các phong trào của địa phương, có trình độ, uy tín để xem xét kết nạp đảng nhưng lại vi phạm chính sách dân số, quá tuổi kết nạp hoặc khó thẩm tra lý lịch, nên rất khó xem xét để kết nạp. Thứ hai là, trình độ văn hóa, theo Điều lệ đảng, đối tượng đảng phải biết chữ, có trình độ ít nhất là tiểu học, nhưng phần đông đối tượng đảng nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, khi tham gia các lớp học cảm tình Đảng họ không biết đọc, không biết viết, nhiều người nghe không hiểu được cặn kẽ tiếng phổ thông. Thứ ba, một số xã việc hướng dẫn làm thủ tục kết nạp đảng vẫn còn sơ sài, yếu kém; năng lực lãnh đạo của nhiều chi bộ còn hạn chế; thêm vào đó là những định kiến, phong tục tập quán, gia đình, dòng họ vẫn còn tồn tại. Nên rất khó trong việc tạo “Nguồn” phát triển Đảng”.

Vượt lên những khó khăn vốn có của một huyện nghèo, khó khăn biên giới, Đảng bộ huyện Mường Nhé đã mở nhiều hội nghị để bàn bạc, xây dựng Nghị quyết Chuyên đề, các Chương trình hành động và các kế hoạch cụ thể về công tác phát triển đảng viên mới như: Ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05 NQ/HU và Chương trình hành động số 10 - CTr/HU của Huyện ủy Mường Nhé để thực hiện NQ 08-NQ/TU ngày 03/7/2012 của Tỉnh ủy Điện Biên về xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ Đảng, giai đoạn 2012-2015". Trong đó, chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số ở những thôn, bản, cụm bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên. Đối với các thôn, bản đặc biệt khó khăn, thôn, bản giáp biên giới, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Đảng ủy các xã tăng cường cán bộ xã, đảng viên là giáo viên chuyển sinh hoạt về thôn, bản cùng tham gia sinh hoạt với địa bàn dân cư.

Tiến hành rà soát, đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng và xây dựng kế hoạch tạo “Nguồn” kết nạp đảng viên. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa cấp ủy địa phương với Bộ đội Biên phòng trên địa bàn, Bộ đội Biên phòng tỉnh cử cán bộ, sỹ quan có kinh nghiệm, uy tín tham gia cấp ủy các xã biên giới, giúp cấp ủy chính quyền cơ sở kiện toàn, củng cố tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cơ sở, từ đó góp phần phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để phát triển đảng viên, nhằm xóa những thôn, bản, cụm bản chưa có chi bộ, chưa có Đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở.

Từ những giải pháp cụ thể, thiết thực, đến nay các đảng bộ thuộc huyện đều kết nạp đảng viên vượt mục tiêu nghị quyết, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra. Đến hết quí III-2015, toàn Đảng bộ huyện có 1.329 đảng viên, tham gia sinh hoạt ở 41 Chi, Đảng bộ. Trong đó, có 405 đảng viên nữ (chiếm tỷ lệ 30,47%); đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số 877 đồng chí (chiếm tỷ lệ 65,98%). Đồng chí Giàng A Dế, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Nhé phấn khởi cho biết “Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tạo “Nguồn” phát triển Đảng, song với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ công tác phát triển Đảng viên của huyện đã vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra, đó là phấn đấu kết nạp 100 đảng viên mới hằng năm nhưng thực tế trong nhiệm kỳ đã bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 1.133 quần chúng ưu tú, kết nạp 757 đảng viên mới (đạt 151,4%, vượt 51,4% chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra); xóa được 26 bản “trắng” đảng viên; giảm 86 bản chưa có chi bộ”.

1
Mường Nhé thường xuyên tăng cường cán bộ xuống cơ sở 11/11 xã để giúp các xã làm công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, quan tâm, tạo nguồn phát triển Đảng viên

 

Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được vẫn còn một số hạn chế: Huyện vẫn còn 36/96 thôn, bản, cụm bản chưa có chi bộ. Còn 25/96 thôn, bản “trắng” đảng viên (Đảng bộ xã Mường Toong 5 bản, Nậm Kè 4 bản, Quảng Lâm 2 bản, Pá Mỳ 4 bản, Nậm Vì 2 bản, Chung Chải 4 bản, Chi bộ xã Huổi Lếch 4 bản); một số chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên; một số cấp uỷ xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng chưa cụ thể; công tác phối hợp giữa cấp uỷ với các ngành liên quan trong việc tạo nguồn, giáo dục, bồi dưỡng cho quần chúng còn nhiều hạn chế; công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên có nơi còn thiếu chặt chẽ; có nơi xem xét đề nghị chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức chưa kịp thời; công tác kết nạp đảng viên mới ở các thôn, bản đối với người có đạo, chính sách dân số, trình độ học vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Làm tốt công tác phát triển Đảng viên là góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và Đảng viên, nhất là đối với một huyện khó khăn như Mường Nhé trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững ổn định chính trị  và trật tự an toàn xã hội.

Thời gian tới, huyện Mường Nhé sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên đối với công tác phát triển đảng viên, nhất là các thôn, bản, cụm bản vùng sâu, vùng xa, biên giới; nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cấp uỷ đảng, cán bộ, và đảng viên; chú trọng bồi dưỡng, kết nạp đảng những quần chúng ưu tú đang sinh sống, gắn bó lâu dài ở địa phương; phát động các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, qua đó phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp đảng viên./.


                                                                                        

Phong Lâm
                                              Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên
                                                           

.