Giá tri thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước trong sự nghiệp đổi mới hiện nay

Thứ Hai, 22/06/2015, 18:12 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau chiến thắng Việt Bắc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta ra chỉ thị phát động phong trào thi đua yêu nước, động viên toàn dân ta kháng chiến, kiến quốc. Sau đó, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trực tiếp phát động phong trào.

1
Đại hội anh hùng chiễn sỹ thi đua lần IV

Từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy rõ thêm chiều sâu tư tưởng, tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động phong trào yêu nước. Khi thời cơ, thách thức đều hết sức lớn và đan xen nhau như lúc này, càng cần tiếp tục vận dụng sáng tạo của tư tưởng của Người về Thi đua yêu nước, làm dấy lên những phong trào yêu nước sâu rộng, thường xuyên, coi đó là một phương thức cần thiết nhằm tạo ra một động lực phát triển, đưa Việt Nam vượt qua thử thách, sớm thoát khỏi tình trạng một nước kém phát triển. Song, để làm được điều đó, trước hết, chúng ta cần làm cho cán bộ, Đảng viên các cấp và nhân dân thấy rõ tầm  quan trọng và tính tất yếu của thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chúng ta còn nhớ, trước đây, trong thời kỳ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phải chú ý phê phán, nhắc nhở nơi này, nơi khác chưa nhận thấy hết tầm quan trọng của việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước.

Ngày nay, khi  mới bước sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng từng có nhận thức sai lầm, cho rằng thi đua không còn quan trọng nữa. Song, theo Hồ Chí Minh, thi đua là tất yếu vì nền tảng của nó là công việc hàng ngày của tất cả mọi người. Trước đây, thi đua kháng chiến, kiến quốc thành công, ngày nay, thi đua nhằm làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dan chủ, công bằng, văn minh.

Người khẳng định rõ chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ do Nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì  mới có phong trào thi đua. Thi đua là bản tính của con người. Bản chất con người luôn vươn tới cái tốt đẹp và tốt đẹp hơn.

1
Điện Biên: Tổng kết công tác Thi đua khen thưởng năm 2014

 

Không chịu bằng lòng với cái đã có, đó là một điều kiện khách quan để Đảng, Nhà nước chủ động dùng phong trào Thi đua làm cho cuộc sống phát triển không ngừng. Phát động phong trào thi đua yêu nước phù hợp với quy luật phát triển đất nước hiện nay. Kinh tế thị trường không gây trở ngại cho phong trào thi đua yêu nước, ngược lại nó còn tham gia thúc đẩy phong trào phát triển. Hiện nay, nước ta kinh tế thị trường được xây dựng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính trong cơ chế thị trường này, mới có điều kiện kết hợp  chặt chẽ hai loại động lực: tinh thần và vật chất; kết hợp cả yếu tố tự phát và tự giác của con người, tạo nên nội lực mạnh mẽ của phong trào.

Với phương châm Xây đi đôi với Chống, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm trong kháng chiến chống Pháp, phong trào 3 xây, 3 chống; nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Người chỉ rõ, để xây được 3 cái tốt là ý thức trách nhiệm cao, quản lý kinh tế tài chính tốt và cải tiến kỹ thuật, cần tích cực chống 3 thứ "giặc ở trong lòng" là tệ tham ô, bệnh quan liêu và nạn lãng phí. Người phân tích hết sức sâu sắc tính nguy hiểm và tác hại ghê gớm của 3 loại "giặc nội xâm" này và cho rằng phải phát động phong trào của quần chúng thi đua chống giặc nội xâm như là thi đua chống giặc ngoại xâm. Yêu nước thì phải chống tham ô lãng phí, quan liêu như truyền thống dũng cảm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cuộc chiến đấu cực kỳ gay go, phức tạp. Đảng, Nhà nước phải biết dựa vào dân để chống quan liêu, tham ô, lãng phí.

Theo dõi sát các phong trào thi đua từ các địa phương cơ sở, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đọc báo thường  ghi lại các tấm gương người tốt, việc tốt mà các báo trung ương và địa phương đăng. Sau đó,  yêu cầu điều tra, xác minh lại, thấy đúng sự thật là Người gửi thư, bằng khen, huy hiệu hoặc quà cho những con người gương mẫu đó. Bằng cách này, trong quá trình chỉ đạo các phong trào yêu nước, Người đã trực tiếp phát hiện, gửi tặng huy hiệu cho 4.000 tấm gương người tốt việc tốt. Với cách đó, Người kịp thời động viên, cổ vũ các tấm gương người tốt việc tốt. Đồng thời, lấy các tấm gương tốt có thật trong cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân để giáo dục lẫn nhau. Cần thiết bồi dưỡng, nêu gương, nhân rộng  người tốt việc tốt. Bởi những sự thật tốt đẹp đó có tác dụng giáo dục con người, thúc đẩy phong trào thi đua, xây dựng Đảng rất tốt.

Người chỉ rõ: " Nói chung thì các dân tộc Phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 263)

Người phê phán các cấp uỷ Đảng, chính quyền hoặc cán bộ “Không chịu theo dõi việc làm hằng ngày của cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân. Ai làm tốt không kịp thời nêu gương, ai làm xấu không kịp thời giúp đỡ sửa chữa” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 549).

Người phê phán tình trạng báo cáo không trung thực - bệnh thành tích trong phong trào thi đua “Báo cáo giả dối. Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến”  (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t5, s.đ.d, tr 302).

Như vậy có thể thấy, theo tư tưởng của Người, ngày nay thi đua, báo cáo thành tích phải trên cơ sở lòng trung thực, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, không dung thứ cách làm gian dối, tô hồng thực trạng, che giấu sai hỏng, nói vống công lao, thậm chí nặn ra thành tích giả tạo. Để đạt yêu cầu này, công tác khen thưởng phải thật sự nghiêm túc, đánh giá đúng thành tích, không cảm tình, nể nang và kiên quyết chống các hành vi sách nhiễu, mua chuộc. Đồng thời phải tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và cải tiến thủ tục, quy trình xét khen thưởng, thực hiện công khai, dân chủ, kịp thời và đảm bảo tính nêu gương, giáo dục trong khen thưởng. Quan trọng là phải theo sát các phong trào thi đua, căn cứ vào thành tích trong phong trào thi đua để khen thưởng. Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Đặc biệt, trong khen thưởng phải luôn chú trọng đến các hành động anh hùng, tấm gương anh hùng trong hoạn nạn, bão lũ, trong chiến đấu chống lại các loại tội phạm; tôn vinh những tấm gương liêm khiết, tiết kiệm, chí công vô tư trong cán bộ, công chức, công an,v.v…

1
Biểu dương tập thể cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

 

Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh về thi đua, trong công cuộc đổi mới hôm nay. mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị đều phải thường xuyên chú trọng việc xác định nhiệm vụ cụ thể, từ đó xây dựng điển hình tiên tiến, kịp thời tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tập thể xuất sắc.

Đồng thờ chú trọng việc kiện toàn, nâng cao chất lượng bộ máy và năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng. Nghiên cứu mở rộng các hình thức khen thưởng ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Lựa chọn đúng người, đúng tiêu chuẩn xứng đáng với danh hiệu, vinh dự của các hình thức khen thưởng cao quý của Nhà nước. Kịp thời động viên phong trào, góp phần tạo động lực, sức mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của đất nước và của tỉnh./.
 


Nguyễn Vân Chương
UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

.