Góp ý tham gia vào 3 dự thảo luật

Thứ Năm, 18/09/2014, 17:59 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hôm nay (18/9), Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham đóng góp ý kiến vào một số dự thảo luật: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong số các dự án luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII được tổ chức trong thời gian tới.

Về dự án Luật Đầu tư sửa đổi, mục tiêu xây dựng luật là thể chế hóa nguyên tắc Hiến định về quyền tự do kinh doanh của công dân trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch hơn nữa để huy động có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài... Bên cạnh đó, tạo bước chuyển biến mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện hoạt động đầu tư gắn liền với việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư; hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư với thủ tục đơn giản hơn và chi phí thấp hơn. Dự thảo Luật đầu tư sửa đổi cũng bổ sung, hoàn thiện cơ chế khuyến khích, bảo hộ đầu tư phù hợp với cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư theo các điều ước quốc tế đã hoặc sẽ tham gia trong thời gian tới, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...

So với Luật Đầu tư hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi cơ bản các nội dung về: Chính sách bảo đảm đầu tư; danh mục lĩnh vực cấm đầu tư và danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện; quy định về ưu đãi đầu tư; quy định về hỗ trợ đầu tư; thủ tục đầu tư; thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư; hoạt động đầu tư ra nước ngoài; quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Một trong những quy định được đánh giá là sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư là dự thảo Luật bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư, trừ dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Quy định này được áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Về vấn đề này, một số đại biểu cho rằng: Để Luật Đầu tư sửa đổi thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh, dự án Luật cần có các quy định mới không thấp hơn quy định về đầu tư so với các nước trong khu vực thì mới tạo ra sức hấp dẫn, thu hút được vốn đầu tư nước ngoài...

d
Đồng chí Lò Văn Muôn, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh kết luận buổi làm việc

Về dự án Luật Doanh nghiệp, mục tiêu sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này nhằm làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Qua đó, tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.  Bên cạnh đó, việc sửa Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp; đối xử bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí cho tổ chức quản trị doanh nghiệp và cơ cấu lại doanh nghiệp; bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của nhà đầu tư; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Tại hội nghị, có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung tách biệt chức năng chủ sở hữu với các chức năng khác của Nhà nước. Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với quy định vừa nêu. Điều này có nghĩa là cơ quan đại diện trực tiếp thực hiện các quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp không được trực tiếp thực hiện các chức năng khác của Nhà nước như: Hoạch định và thực thi chính sách, quản lý và giám sát thị trường và các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác. Tuy vậy, muốn thực hiện được yêu cầu nói trên cũng như những quy định khác về cách thức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, cần có cơ quan chủ sở hữu chuyên trách và độc lập với cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Nếu cơ quan chủ sở hữu như vậy chưa được thiết lập thì các nội dung tương ứng dù đã được quy định cũng sẽ chưa thực hiện được.

Đối với Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, các đại biểu cho rằng: Dự thảo Luật đều được đổi mới quyết liệt từ khâu đầu tư đến quản lý, bảo đảm để khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực sự hoạt động có hiệu quả, đẩy nhanh việc sắp xếp đổi mới, trọng tâm là cổ phần hóa DNNN được dự án Luật quy định cụ thể ở mục cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Phần này đưa ra các biện pháp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gắn liền với tái cơ cấu sẽ làm cụ thể hơn vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn, hợp nhất, sáp nhập, chuyển giao vốn. Các nguyên tắc bán vốn, chuyển nhượng vốn cũng được Luật hóa để đảm bảo khung khổ pháp lý giúp doanh nghiệp thực hiện. Trong Luật cũng quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ xem xét, quyết định giá chuyển nhượng trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bù trừ dự phòng tổn thất vốn đầu tư theo quy định của pháp luật, nhưng giá trị chuyển nhượng vẫn thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục làm rõ hơn một số vấn đề như: Quy định rõ xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân nếu hoạt động không hiệu quả; vấn đề lương thưởng cần theo hướng gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lò văn Muôn, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh đã đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm của các đại biểu. Toàn bộ các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn ĐBQH tổng hợp và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất./.

 

Phạm Hải - Tuấn Anh
 

.