Xung quanh vấn đề khai thác vàng tại mỏ vàng Háng Trợ

Thứ Bảy, 01/06/2019, 16:41 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau khi UBND tỉnh Điện Biên đã ra quyết định thu hồi đất và chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản vàng của Công ty Cổ phần công nghiệp MOLYBDEN, tuy nhiên, việc khai thác vàng tại đây đã để lại những hậu quả đối với người dân, đó là chưa kể đến tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra với nhiều hệ lụy đi kèm.

Sau hơn 10 năm phát lộ và khai thác mỏ vàng Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông. Gần 40 ha khai trường giờ là những đồi núi trọc lóc, sạt lở ngổn ngang đất đá từ đỉnh xuống đến tận chân núi; dấu tích những lán trại tạm bợ còn sót lại minh chứng cho một giai đoạn khai thác vàng tấp nập, nhộn nhịp;

Những hầm, hố khai thác vàng dày đặc trong đó nhiều hầm đã sập. Từ trên cao nhìn xuống, cả khu mỏ vắng lặng, sự vắng lặng của một khu mỏ đã dừng khai thác nhưng dưới kia, trong lòng núi việc khai thác vàng vẫn diễn ra âm thầm bất kể ngày đêm.

1
Mỏ vàng Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông

 

Không biết sự an toàn theo cảm quan của người làm vàng sẽ đảm bảo an toàn cho họ đến đâu nhưng thực tế vàng hầu như đã cạn kiệt nên để tìm được mạch vàng người ta ngày càng phải đào sâu vào lòng núi, đào càng sâu nguy hiểm càng tăng.

Vậy nhưng bất chấp tất cả người ta vẫn đào bới với hi vọng "trúng mánh" sẽ thu về một khoản lớn hoặc ít nhất cũng đủ để trang trải những chi phí đã bỏ ra cho máy móc, công cụ khai thác vàng.

Quặng vàng sau khi khai thác sẽ được chở bằng xe máy vượt gần 10 km đường dốc đứng, quanh co về nơi tập kết tại những máy nghiền đãi.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Nếu có quặng vàng, một buổi sáng những chiếc máy nghiền đãi như thế này có thể làm được ba bao quặng, tiêu tốn khoảng hai lít dầu chạy máy. Sau khi nghiền, đãi người dân sẽ sử dụng a xít, thủy ngân để thu được vàng mạt, vàng cám còn chất thải, cặn bã đổ trực tiếp ra môi trường.
 
Không rõ những người dân thật sự thu được bao nhiêu vàng, bán được bao nhiều tiền nhưng những hậu quả từ việc khai thác vàng hơn mười năm qua ai cũng có thể thấy rõ. Và những người phải gánh chịu hậu quả ấy không ai khác chính là những người dân sở tại sinh sống quanh khu vực mỏ vàng.

Ông Chá Giống Chư, Phó chủ tịch UBND xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông cho biết: Công ty vào khai thác vàng, làm được 6 - 7 năm và đến bây giờ thì Công ty đã rút. Cái hệ lụy để lại là ảnh hưởng đến nguồn nước của người dân, không sinh hoạt, không trồng cấy được. Rồi đất đá trên đầu nguồn rất nhiều cứ mưa xuống là vùi lấp ruộng lúa của dân. Chính vì vậy, xã kiến nghị cấp trên quan tâm sớm khôi phục, khắc phục hậu quả, những tồn tại khiến Nhân dân gặp khó khăn hiện nay.

2
Tình trạng khai thác vàng trái phép nổi lên và diễn biến phức tạp.


Công ty Cổ phần công nghiệp MOLYBDEN chính thức được cấp phép hoạt động khai thác vàng lộ thiên từ năm 2008, ra hạn giấy phép lần hai vào năm 2013, thời hạn khai thác kéo dài đến năm 2028. Tuy nhiên sau đó, Công ty đột ngột tuyên bố phá sản, dừng mọi hoạt động khai thác.

Giữa năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thu hồi đất và chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản vàng của Công ty MOLYBDEN. Từ đó đến nay, tình trạng khai thác vàng trái phép nổi lên và diễn biến phức tạp.

Không chỉ người dân sở tại, các nhóm người từ nhiều địa phương khác cũng kéo nhau đến lập lán trại, đưa máy móc vào khai thác vàng trái phép. Trước tình trạng trên, huyện Điện Biên Đông đã thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, giữ gìn an ninh trật tự.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 4 vừa qua, các lực lượng chức năng huyện Điện Biên Đông đã lập biên bản trục xuất một nhóm 7 - 8 người thường trú tại huyện Than Uyên, Lai Châu có ý định khai thác vàng trái phép. Mặc dù có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, lực lượng công an nhưng an ninh trật tự tại khu vực mỏ vàng vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.

Ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Trong suốt thời gian từ 2017 đến nay, chính quyền huyện đã có nhiều văn bản và trực tiếp chỉ đạo công an huyện, chính quyền xã nắm bắt tình hình sớm phát hiện người dân khai thác nhỏ lẻ, trái phép.

Qua đó cũng đã phát hiện một số trường hợp ở địa bàn khác đến khai thác và đã thực hiện lập biên bản trục xuất cũng như tịch thu máy móc. Còn đối với người dân ở đó cũng lén lút khai thác nhỏ lẻ thì tiến hành tuyên truyền, cam đoan cam kết không khai thác nữa. Nói chung đã ổn định nhưng bãi vàng đó vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự.

Bên cạnh đảm bảo an ninh trật tự, vấn đề huyện Điện Biên Đông quan tâm nhất hiện nay chính là sớm thực hiện đóng cửa mỏ một cách triệt để. Đồng thời triển khai các phương án khắc phục hậu quả về môi trường, khôi phục sản xuất nông nghiệp cho người dân sống quanh khu vực mỏ bị ảnh hưởng.

Rõ ràng việc đóng cửa mỏ một cách triệt để, thực hiện san lấp trả lại mặt bằng và tiến hành trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng là biện pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép kéo dài nhiều năm qua tại mỏ vàng Háng Trợ. Chấm dứt được việc khai thác vàng trái phép, an ninh trật tự được giữ vững và người dân yên tâm lao động sản xuất, không bị cuốn vào "giấc mơ vàng" với bao nguy hiểm rình rập.

 

 

Chu Linh - Huy Long/DIENBIENTV.VN

.