Bản Thèn Pả, xã Sa Lông (huyện Mường Chà)

Nhiều người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc

Thứ Sáu, 09/02/2018, 14:10 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian gần đây, tình trạng người Xạ Phang ở bản Thèn Pả, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc khá phổ biến. Họ đã lợi dụng sự tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa với người bản địa để sang lao động; điều đó không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Cách trung tâm xã Sa Lông gần 10km, bản Thèn Pả có 63 hộ dân, trên 360 nhân khẩu với 100% là đồng bào dân tộc Xạ Phang. Đó là một tộc người di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam, có cùng nguồn gốc với dân tộc Hoa nên người Xạ Phang có nét tương đồng về văn hóa và tiếng nói với người Hoa.

Lợi dụng sự giống nhau đó, nhiều lao động người Xạ Phang ở bản Thèn Pả đã trốn sang Trung Quốc để làm thuê với hy vọng kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mặc dù, Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ về nhà ở, vốn, giống cây trồng, vật nuôi; được định hướng, vận động phát triển kinh tế hàng năm nhưng vì không có việc làm nên đời sống bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

1
Trưởng bản Thèn Pả, Sần Seo Ngấn (đầu tiên bên trái) trao đổi với phóng viên về tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc trên địa bàn.

 

Cuộc sống khó khăn, cái nghèo đeo bám; nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, thêm vào đó là có sự tương đồng về ngôn ngữ nên họ đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm giấc mơ đổi đời từ vùng đất hứa nhưng đầy rẫy những rủi ro.

Anh Sần Seo Ngấn, Trưởng bản Thèn Pả, cho biết: Do thiếu đất sản xuất, người dân chưa biết cách làm ăn nên cuộc sống của đồng bào dân tộc Xạ Phang ở bản Thèn Pả còn nhiều khó khăn. Mặc dù được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế, nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong bản vẫn còn rất cao.

Với mong muốn có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, sau mỗi mùa nương, bà con lại rủ nhau sang Trung Quốc làm thuê. Trong đó, đối tượng chủ yếu là thanh niên sang làm thợ xây, phụ hồ, bốc vác… Nghe nói mệnh giá tiền Trung Quốc có giá trị cao nên nhiều người đã sang đó kiếm việc làm rồi mang tiền Nhân dân tệ về đổi ra tiền Việt Nam đồng được nhiều hơn nên ai ai cũng hào hứng sang đó làm thuê.

Có những trường hợp đi đi, về về đến 5 – 6 lượt/năm nhưng trong số đó có nhiều người xuất cảnh “chui”. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc đều thay đổi cuộc sống. Cũng chính vì thiếu việc làm và thu nhập không ổn định, cái nghèo cộng với sự thiếu hiểu biết đã khiến anh Vàng Seo Khoán, vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê và rồi thiệt mạng nơi đất khách quê người.

Việc người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê trong môi trường hóa chất độc hại, bị bóc lột sức lao động, bị quỵt tiền công vì người lao động không có giấy tờ hợp pháp, hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, xâm hại tình dục khá phổ biến.

Song vì nhận thức hạn chế, vì cuộc sống mưu sinh một bộ phận người lao động vẫn trốn sang Trung Quốc lao động, điển hình như một số người Xạ Phang ở bản Thèn Pả. Anh Si Tè Sầm, Công an viên bản Thèn Pả, cho biết: Thời điểm cuối năm 2017, bản Thèn Pả có 41 người sang Trung Quốc lao động và đã có 21 người trở về bản.

Trong số 41 người đó thì có 15 người đã làm thủ tục, hộ chiếu để đi làm thuê bên Trung Quốc; số còn lại đều xuất khẩu “chui”. Đơn cử như trường hợp của anh Thàn Seo Chẩn hay anh Sần Tỷ Trần, thường xuyên sang Trung Quốc làm thuê nhưng lại không làm giấy tờ, thủ tục; nhưng vì lao động trong thời gian ngắn và biết tiếng nên chính quyền sở tại không xử lý.

Do không có việc làm ổn định, trong bản có nhiều người dân thường xuyên sang Trung Quốc làm thuê. Để nắm bắt tình hình và quản lý lưu trú, bản thường xuyên kiểm tra, báo cáo về xã; bên cạnh đó động viên bà con làm đầy đủ giấy tờ, như: giấy tạm vắng, sổ thông hành, hộ chiếu để đảm bảo quyền lợi cho bản thân và dễ dàng cho công tác quản lý tại địa phương.

Trao đổi về vấn đề này, Đại úy Hạng A Lồng, Đội trưởng Ðội An ninh (Công an huyện Mường Chà), cho biết: Đồng bào dân tộc Xạ Phang ở bản Thèn Pả, có nguồn gốc là người Hoa nên họ có tiếng nói tương đồng với người Trung Quốc; vì vậy rất ít khi bị lực lượng chức năng sở tại xử lý, trao trả về nước. Vì vậy, bản Thèn Pả có những người đi về giữa Việt Nam – Trung Quốc thường xuyên để làm các công việc như: phụ xây, bốc vác; một số phụ nữ còn sang Trung Quốc để lấy chồng.

Việc người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê và lấy chồng có ảnh hưởng phức tạp đến an ninh trật tự. Bà con đi không làm thủ tục giấy tờ, gây khó khăn cho công tác quản lý và đặc biệt là công tác xử lý đối với hoạt động này cũng rất khó.

Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời tạo điều kiện, hướng dẫn để bà con làm thủ tục, giấy tờ xuất nhập cảnh sang Trung Quốc lao động theo đúng quy định của Nhà nước.

 

 

 CTV - Phạm Quang

.