Điện Biên

Giao nộp được hơn 8.300 khẩu súng các loại

Thứ Ba, 12/12/2017, 14:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau 05 năm triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các cấp các ngành, đoàn thể tỉnh Điện Biên đã vận động nhân dân giao nộp được hơn 8.300 khẩu súng các loại

Tình hình An ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn diễn biến khá phức tạp, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình" và lợi dụng vấn đề về dân tộc, tôn giáo ... để kích động gây chia sẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tình hình tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để thực hiện hành vi phạm tội và tấn công lại lực lượng thi hành công vụ khi bị truy bắt đang ngày càng diễn ra manh động, liều lĩnh hơn. Bên cạnh đó vẫn tồn tại thói quen sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại súng tự chế của đồng bào dân tộc vùng cao, vùng sâu để săn bắn thú rừng, bảo vệ hoa màu... tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về ANTT đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ quốc phòng, an ninh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

1
Công an huyện Mường Nhé tổ chức tiếp nhận, thu hồi vũ khí trong đồng bào dân tộc tại xã Mường Nhé. ảnh KT


Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên về thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã phối hợp, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dòng họ, cán bộ lão thành cách mạng đã tham gia kháng chiến, công tác qua các thời kỳ nay đã nghỉ hưu, nghỉ chế độ về địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân, người thân, con cháu trong dòng họ gương mẫu chấp hành pháp luật và thực hiện tốt cuộc vận động.

Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tổ chức hơn 2.260 buổi họp tuyên truyền trực tiếp cho trên 106.000 lượt người tham gia ở các địa bàn trọng điểm phức tạp về vũ khí, vật liệu nổ, nhất là đồng bào dân tộc biên giới, vùng cao, vùng xa; đồng thời tổ chức cho các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị ký cam kết thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí và tích cực tham gia công tác giữ gìn tốt an ninh trật tự cơ sở.

Huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên được chọn làm điạ bàn thí điểm để chỉ đạo, thực hiện sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, vì huyện Mường Nhé là địa bàn phức tạp, trọng điểm về an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, đây là huyện có đa số đồng bào dân tộc Mông sinh sống, số lượng súng tự chế trong nhân dân còn nhiều, do đó tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự. Trong cuộc vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại địa bàn Mường Nhé, UBND tỉnh đã trưng tập 163 cán bộ thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh cùng Công an huyện Mường Nhé tham gia vận động nhân dân giao nộp vũ khí, không tàng trữ sử dụng trong gia đình.

Công an tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức Hội nghị triển khai đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố để quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ công an, của UBND tỉnh và giao trách nhiệm cho Đoàn thanh niên là lực lượng nòng cốt, chủ công mũi nhọn trong đợt cao điểm vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

1
Sau 5 năm, tỉnh Điện Biên đã vận động nhân dân giao nộp được 8.366 khẩu súng các loại. ảnh KT


Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương, sau 05 năm triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các cấp các ngành, đoàn thể đã vận động nhân dân giao nộp được 8.366 khẩu súng các loại (trong đó có 28 khẩu súng quân dụng; còn lại là súng kíp, súng hơi cồn, súng thể thao, súng hơi… lực lượng chức năng thu giữ trong nhân dân 19 thanh kiếm, 211 kíp điện, 33 quả lựu đạn, 55,72kg thuốc nổ; 56kg thuốc súng; 200,7kg diêm sinh…Trong đó tại địa bàn huyện Mường Nhé đã vận động giao nộp được hơn 1.600 khẩu; huyện Điện Biên Đông 1.531 khẩu; huyện Tuần Giao 1.301 khẩu, huyện Điện Biên 1.125 khẩu; huyện Nậm Pồ 832 khẩu, huyện Mường Chà 802 khẩu; huyện Tủa Chùa 697 khẩu, huyện Mường Ẳng 351 khẩu; thành phố Điện Biên Phủ 76 khẩu và thị xã Mường Lay 40 khẩu.

Qua kết quả số liệu đó cho thấy số lượng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trôi nổi trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hiệu quả chưa cao, nên nhận thức của một số người dân, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và một số người dân sống trên tuyến biên giới Việt – Lào còn hạn chế; sự phối hợp giữa các lực lượng trong công tác quản lý, phối hợp kiểm tra, tuyên truyền, vận động nhân dân thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chưa được duy trì thường xuyên…  

Công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Điện Biên những năm qua một phần nào đã góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong thời gian các lực lượng chức năng của tỉnh Điện Biên cần đề ra nhiều giải pháp cụ thể từng bước thực hiện Pháp lệnh số 16 của Ủy ban thường vụ quốc hội về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Mặc dù đã đạt được những hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng việc tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn các địa phương trên vẫn còn không ít khó khăn, do địa bàn rộng, một bộ phận nhân dân nhận thức còn hạn chế, đòi hỏi lực lượng chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành pháp luật, giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ đang sử dụng trái phép cho cơ quan chức năng.

1
Công an huyện Mường Nhé gặp gỡ, tuyên truyền các chủ trương, chính sách tới người dân, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn.


Ngoài ra, trong công tác tuyên truyền, cần chú trọng tới địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, có diện tích rừng tự nhiên lớn; thường xuyên lồng ghép các nội dung tuyên truyền, vận động người dân vào các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt chung. Bên cạnh đó, lực lượng công an các cấp cũng cần bám sát địa bàn và tình hình tại cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý những đối tượng tự chế và sử dụng các loại súng tự chế để kịp thời ngăn chặn ngay từ hành vi ban đầu.

Phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình tại cơ sở phát hiện các hành vi tàng trữ, buôn bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép để có hướng xử lý kịp thời; Chú trọng tới công tác tuyên truyền, vận động qua đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín để nâng cao nhận thức của đồng bào các thôn bản vùng sâu vùng xa, ngăn chặn các hoạt động của  tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án; xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Bên cạnh việc ngăn chặn, thì cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần vận động nhân dân, đẩy mạnh các phong trào kinh tế, giúp người dân làm giàu chính đáng, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cũng là một cách góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.  

 

 

Hương Trà/Dienbientv.vn   

.