Luật An ninh mạng sẽ nhấn mạnh đến việc bảo đảm quyền con người

Thứ Năm, 26/10/2017, 08:27 [GMT+7]

Việc ban hành Luật An ninh mạng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp là cần thiết.
 
Chiều 25/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội về Tờ trình dự án Luật An ninh mạng.

Theo đó, trong Tờ trình nhấn mạnh đến các nguy cơ đe dọa an ninh mạng đang tồn tại. Đó là thông qua không gian mạng, một số đối tượng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, âm mưu này được triển khai dưới nhiều phương thức thức khác nhau.

Không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta, thông qua các hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh, chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta.
 

1
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội về Tờ trình dự án Luật An ninh mạng (ảnh: Văn phòng Quốc hội)


Đối với việc bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 thì Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Dự kiến Luật An ninh mạng sẽ quy định các biện pháp nghiệp vụ an ninh mạng, trong đó có một số biện pháp có khả năng ảnh hưởng tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như giám sát an ninh mạng, hạn chế thông tin mạng…

Do vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp là cần thiết. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật này cũng góp phần cụ thể hóa tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là quy định “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” và “mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”.

Xác lập và quy định các biện pháp bảo vệ an ninh mạng

Tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật An ninh mạng.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh: Trong tình hình hiện nay, an ninh mạng là vấn đề quan tâm của toàn cầu, có tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đã có nhiều quốc gia ban hành các đạo luật, đưa ra các chính sách phát triển công nghệ thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn, tấn công trên không gian mạng nhằm bảo vệ các giá trị, lợi ích, an ninh của đất nước.

Ở nước ta, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở, hệ thống chính sách chưa đồng bộ.

Do đó, việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết, vừa để bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác giải quyết các vụ việc sử dụng không gian mạng để khủng bố, phá hoại an ninh, hòa bình thế giới.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với việc xác lập và quy định các biện pháp bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, vì cho rằng đối với các hệ thống này, ngoài việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo Luật An toàn thông tin mạng , còn phải áp dụng các biện pháp phòng, chống hoạt động phá hoại hệ thống và phòng, chống hoạt động xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh, trật tự của đất nước trên hệ thống thông tin này. Bảo vệ an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một trong những mục đích chính của việc ban hành Luật này nên cần được quy định cụ thể trong dự thảo Luật này.

Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến trên để quy định rõ ràng tiêu chí xác định và các loại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, tránh trùng lặp, mâu thuẫn với quy định của Luật An toàn thông tin mạng. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về các biện pháp bảo đảm An toàn thông tin mạng  (theo hướng dẫn chiếu) và các biện pháp bảo vệ, phòng, chống tấn công, phá hoại cơ sở hạ tầng của các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia./.

 

Theo VOV

.