Giải pháp để chấm tình trạng lao động vượt biên làm thuê trái phép

Thứ Hai, 14/11/2016, 16:49 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mấy năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang rộ lên tình trạng người lao động vắng mặt tại địa bàn, trốn ra nước ngoài làm thuê bất hợp pháp. Chính yếu tố này đang tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Đến thăm gia đình chị Vàng Thị Ía – Bản Kéo Lánh xã Búng Lao huyện Mường Ảng trong căn nhà gỗ tối tăm, chật hẹp, là nơi trú ngụ của gần chục thành viên trong gia đình . Ở độ tuổi ngoài 30 mà anh chị đã có 5 mặt con. Ruộng nước thì ít, ngần ấy miệng ăn phải trông chờ vào một vạt nương nhỏ. Làm nương thì năng suất thấp, không đủ ăn. Đời sống gia đình luôn gặp nhiều khó khăn.

1
Các cơ quan chức năng đến động viên hỏi thăm Chị Vàng Thị Ía vừa trở về quê hương Sau 4 năm bị bán sang Trung Quốc

 

Sau 4 năm sinh sống bên Trung Quốc, Chị Vàng Thị Ía vừa trở về quê hương, nhớ lại quãng thời gian bên Trung Quốc như dài vô tận, Chị cho biết: “Hôm đấy tôi đang trên đường đi chợ về, có một người tự giới thiệu tên Hòa là người ở Lào Cai bắt chuyện làm quen. Rồi anh ta vào bản tôi chơi. Được mấy hôm quen nhau rồi thì rủ tôi và một người em trong bản đi chơi, mua sắm một số thứ. Nhân tiện tìm kiếm việc làm có thu nhập.

Khi lên đến Lào Cai, sau khi ăn cơm xong thì chúng tôi ngủ lịm đi. Khi tỉnh dậy thì không biết đang ở đâu. Chỉ biết là đang ở trên Taxi cùng với 2 người nước Trung Quốc. Họ đưa đến một gia đình người Trung Quốc rồi họ bỏ đi. Tôi phải làm vợ cho một người Trung Quốc. Chúng tôi đã có với nhau một đứa con trai 3 tuổi”.

Lấy chồng một cách miễn cưỡng bên Trung Quốc, sau mấy năm chung sống, chị Ía tìm cách liên lạc với người thân bên Việt Nam và đã trở về nước. Mặc dù không bị phân biệt đối xử và không bị đánh đập, bạo hành, song chị Ía quyết tâm sẽ không quay trở lại phía gia đình bên Trung Quốc nữa. Về nước, gia đình chị chia ly đôi ngả. Chồng thì đã đi lấy vợ mới, bản thân chị quay trở về ở với bố mẹ đẻ và quyết tâm làm lại từ đầu. Chị chia sẻ: “ Tôi sẽ không trở về Trung Quốc nữa bởi vì bên đấy tôi chỉ có một người con. Còn ở bên này, tôi có 4 đứa con. Các cháu nó cần tôi hơn. Tôi sẽ không đi vì Việt Nam mới là đất nước của tôi”.

Cùng đi với chị Ía ở thời điểm năm 2012 là một người trong dòng họ. Cho đến nay thì gia đình vẫn bặt vô âm tín. Tình trạng người dân bị lợi dụng lừa bán sang Trung Quốc thực sự đang là vấn đề nan giải, khiến các cấp chính quyền trăn trở.

1
Hiện nay, toàn huyện Mường Ảng có khoảng gần 1.600 trường hợp vắng mặt tại địa bàn

 

Bản Kéo Lánh xã Búng Lao hiện có 3 người vắng mặt tại địa bàn. Đó là chị Giàng Thị Dua, chị Vàng Thị Dợ và chị Vàng Thị Só. Xem như đây là những trường hợp điển hình cho tình trạng nhẹ dạ cả tin và bị kẻ xấu lừa phỉnh, trưởng bản Giàng A Dính thường xuyên nêu ra tại các cuộc họp dân để tuyên truyền cho bà con trong bản được biết để phòng tránh. Theo ông Giàng A Dính thì đa số những trường hợp có nhu cầu tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập ở bên kia nước bạn hoặc bị lừa bán đa số là những gia đình nghèo khó, nhận thức còn hạn chế.
 
Mường Ảng là huyện nghèo thuộc diện ưu tiên theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính Phủ. Ngoài một số khu vực có điều kiện phát triển kinh tế như: Thị trấn, Trung tâm Búng Lao và một số xã có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất và kinh doanh thì đa số đồng bào vùng cao còn khó khăn. Người dân còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Chính vì vậy, khi nhận được lời đề giới thiệu đến nơi có nhiều việc làm, được thoải mái lựa chọn, không thích làm việc này thì đổi sang việc khác với mức thù lao hấp dẫn thì dễ dàng tin tưởng. Trong khi đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm, bất chấp hiểm nguy, có những người đã chấp thuận vượt biên.

Mặc dù trên thực tế các cấp chính quyền từ huyện đến xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra; đồng thời nhằm ngăn chặn tình trạng người dân vượt biên trái phép ra nước ngoài lao động bất hợp pháp nhưng tình trạng này vẫn diễn ra hết sức phức tạp và khó kiểm soát.
 
Những năm qua, trên địa bàn huyện Mường Ảng, tình trạng lao động vắng mặt tại địa bàn đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Thống kê cho thấy, hiện nay, toàn huyện có khoảng gần 1.600 trường hợp vắng mặt tại địa bàn. Có nhiều trường hợp do ở bên kia biên giới nên việc lực lượng chức năng của Việt Nam nắm bắt tình hình còn nhiều hạn chế.
 
Bên cạnh đó, lợi dụng nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, kẻ xấu đã tuyên truyền trái pháp luật gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đặc biệt là việc lợi dụng để buôn bán người qua biên giới. Gần đây nhất là trường hợp của chị Lường Thị Hồng và Tòng Thị Hịa cũng trú tại xã Búng Lao bị đối tượng Lò Văn Toán trú tại bản Hiệu xã Chiềng Sinh huyện Tuần Giáo lừa bán. Qua quá trình đấu tranh, khai thác, Công an huyện Mường Ảng đã triệt phá thành công đường dây mua bán người xuyên quốc gia này.
 
Phải thừa nhận rằng, với điều kiện còn nhiều khó khăn, tư liệu sản xuất hạn chế thì nhu cầu tìm việc làm để có thu nhập đối với đồng bào dân tộc thiểu số là rất chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là hành vi bất chấp pháp luật, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, sự thiếu hiểu biết của người dân để các đối tượng lợi dụng đưa người qua biên giới bất hợp pháp đang là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự và quy chế bảo vệ biên giới quốc gia. Vấn đề giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân là việc cần làm ngay và cần phải có sự khẩn trương hơn lúc nào hết. Các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước hỗ trợ đời sống và sinh hoạt cho người dân được triển khai quyết liệt, hiệu quả và thiết thực được xem như một phần trong lời giải của bài toán khó này./.

 

Minh Thịnh – Huy Long.

.